Thuật ngữ Real Estate Agent vốn dĩ không còn quá xa lạ đối với những nhà đầu tư bất động sản chuyển nghiệp. Tuy nhiên, nếu bạn mới bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu về sản phẩm và thị trường bất động sản, bạn nên hiểu rõ về Real Estate Agent vì họ sẽ giúp bạn sở hữu tài sản một cách dễ dàng hơn.
Real Estate Agent là gì?
Real Estate Agent tạm dịch là môi giới bất động sản, đại lý bất động sản. Có thể hiểu đây là những cá nhân hoặc tổ chức, nơi trung gian thực hiện các giao dịch mua bán bất động sản, đại diện kết nối sản phẩm dự án của chủ đầu tư hay người bán với người có nhu cầu mua, đầu tư.
Real Estate Agent đã phát triển sôi động ở những quốc gia lớn mạnh như Mỹ, Anh, Nhật,… Tại Việt Nam, các tổ chức môi giới hay còn gọi là đại lý phân phối bất động sản, sàn giao dịch bất động sản được đón nhận và hoạt động mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Phạm vi hoạt động của Real Estate Agent có thể bao gồm các nhiệm vụ:
- Là đại diện cho chủ đầu tư, người bán hoặc người mua, người cho thuê và người thuê.
- Là người kết nối, người giữ liên lạc, giữ thông tin giữa bên mua và bên bán.
- Tư vấn các vấn đề về tài chính, pháp lý, thị trường, sản phẩm cho nhà đầu tư.
- Triển khai chiến lược kinh doanh, tiếp thị đảm bảo hoạt động phân phối sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng và thị trường.
Thông qua mỗi giao dịch, Real Estate Agent sẽ được trả một loại phí dịch vụ được gọi là hoa hồng. Phí này được tính theo tỷ lệ % tùy thuộc vào từng loại bất động sản. Phí hoa hồng phần lớn là do bên chủ đầu tư, người bán hoặc người cho thuê trả, một số trường hợp bên trả phí cũng có thể là người mua hoặc người thuê.
Real Estate Agent phát triển mạnh mẽ hơn theo nhu cầu sở hữu bất động sản của nhà đầu tư. Đặc biệt khi xu hướng di chuyển và định cư tại các nước phát triển như Hoa Kỳ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Đại lý bất động sản giải quyết bài toán mua bán tài sản cho nhà đầu tư một cách an toàn.
Hình thức hoạt động của Real Estate Agent?
Real Estate Agent có thể hoạt động dưới dạng cá nhân, đội nhóm làm việc tự do, hoặc một tổ chức doanh nghiệp có giấy phép đăng ký kinh doanh lĩnh vực bất động sản.
Đại lý bất động sản được phép phân phối các loại hình bất động sản hợp pháp theo quy định của từng quốc gia. Nhìn chung, các đại lý phân phối có thể lựa chọn kinh doanh với 4 phân khúc phổ biến:
Residential Real Estate – Bất động sản nhà ở.
Residential Real Estate bao gồm các loại hình nhà phố, căn hộ, biệt thự,.. phục vụ cho mục đích chính là để ở, lưu trú. Đây là loại hình bất động sản phổ biến và được quan tâm nhiều nhất ở Mỹ đối với những người đang có kế hoạch định cư.
Commercial Real Estate – Bất động sản thương mại.
Commercial Real Estate bao gồm các loại hình phục vụ cho hoạt động khai thác kinh doanh như văn phòng, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại,…
Industrial Real Estate – Bất động sản công nghiệp.
Industrial Real Estate bao gồm các loại hình bất động sản phục vụ cho hoạt động sản xuất như các phân xưởng sản xuất, nhà máy, kho bãi đậu xe, lưu trữ hàng hóa,…
Land – Đất.
Land là loại hình chỉ có đất, không bao gồm tài sản xây dựng và hoàn thiện trên đất. Tùy vào quy hoạch của chính phủ mà đất được phân loại thành nhiều mục đích sử dụng khác nhau như: đất ở đô thị, đất thổ cư, đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất thương mại dịch vụ,… Trong đó, đất ở đô thị hay đất thổ cư được sở hữu lâu dài là bất động sản được nhiều người quan tâm đối với các khu vực vùng ven của Mỹ.
Những rủi ro Buyer – người mua có thể gặp khi đầu tư bất động sản?
Không chỉ đối với người mua mới, những nhà đầu tư lâu năm vẫn không thể tránh khỏi những rủi ro xảy đến trong quá trình đầu tư bất động sản. Nhất là khi bạn muốn đầu tư bất động sản ở đất nước Hoa Kỳ. Sau đây là các rủi ro mà bạn cần lưu ý khi đầu tư:
Rủi ro về pháp lý.
Nhiều người mua nhà dễ mắc sai lầm khi chỉ tin vào thông tin quảng cáo của dự án mà không tìm hiểu kỹ càng hoặc không kiểm định về pháp lý của dự án. Sau đó, họ dễ bị rơi làm tình trạng nhận về tài sản không đúng giá trị như ban đầu mà người bán quảng cáo. Pháp lý là yếu tố rất quan trọng đối với bất kỳ một tài sản bất động sản. Bạn phải biết và làm rõ vấn đề với người bán là dự án này thuộc quyền sở hữu lâu dài hay có thời hạn? Bạn sẽ được tự do sử dụng theo mục đích cá nhân hay phải tuân thủ theo quy định của chủ đầu tư.
Rủi ro giao dịch.
Bạn nên tìm hiểu kỹ chủ bất động sản là ai, họ có uy tín hay thương hiệu trên thị trường không. Rất nhiều trường hợp đầu tư vào Bất động sản xảy ra tranh chấp vì chủ đầu tư cố tình bán một sản phẩm cho rất nhiều người. Hoặc dự án chưa được phê duyệt cấp phép xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn rao bán. Lúc này nhà đầu tư bị mất tiền lại không thể sở hữu tài sản do mình mua.
Rủi ro chất lượng bất động sản.
Nếu bạn mua bất động sản để ở thì cần phải quan tâm nhiều đến tiện ích và hạ tầng ngôi nhà. Nhà có bàn giao hoàn thiện nội thất không, điện nước hay an ninh khu vực như thế nào. Nhiều sản phẩm quảng cáo với hình ảnh vô cùng bắt mắt và sang trọng, nhưng thực tế bàn giao lại khác rất nhiều.
Thực tế cho thấy, việc đầu tư bất động sản luôn tiềm ẩn những rủi ro mà người mua chưa có kinh nghiệm đầu tư sẽ rất dễ mắc phải. Điều này sẽ được giảm thiểu khi có một đơn vị trung gian có kiến thức chuyên môn tư vấn và thay Buyer – bên mua xử lý các vấn đề trong quá trình mua bán bất động sản. Đó là lý do mà Real Estate Agent ra đời và ngày càng được ưa chuộng.
Quyền lợi của Buyer – người mua khi hợp tác với Real Estate Agent?
Nhiều khách hàng đặt ra câu hỏi rằng liệu có cần thiết có Real Estate Agent trong việc tìm kiếm đầu tư bất động sản hay không. Ưu điểm duy nhất khi Buyer quyết định mua nhà không cần có Agent đại diện đó là tiết kiệm được chi phí môi giới.
Tuy nhiên, trên thực tế, so với thời gian để bạn tìm hiểu về kiến thức đầu tư, luật đất đai và các thông tin xoay quanh yếu tố bất động sản, thì chi phí chi trả cho Real Estate Agent hoàn toàn không phải là giá trị cao. Mặc khác, đối với một số dự án mua giai đoạn đầu, phí hoa hồng của đại lý phân phối có thể sẽ do người bán hay chủ đầu tư chi trả.
Hơn thế nữa, không phải chủ đầu tư, chủ sở hữu nào cũng muốn trao đổi và mua bán trực tiếp với khách hàng. Đơn giản vì họ không có nhiều thời gian để theo cùng bạn trong suốt quá trình tư vấn đến quyết định mua nhà. Họ thích làm việc với môi giới, với Real Estate Agent giúp họ tìm kiếm khách hàng, đảm bảo được quyền lợi giữa họ và khách mua. Quan trọng hơn là với mối quan hệ của các môi giới, quy trình thủ tục mua bán, chuyển nhượng chủ sở hữu sẽ được diễn ra suôn sẻ và hoàn tất nhanh chóng hơn.
Đối với phía Buyer, việc mua nhà thông qua Real Estate Agent mang đến cho bạn nhiều lợi ích thiết thực như:
Nơi cung cấp thông tin đầu tư uy tín.
Đối với đất nước Hoa Kỳ, mỗi tiểu bang, mỗi khu vực sẽ có luật địa ốc khác nhau, chúng có thể thay đổi theo thời gian. Lúc này, với nghiệp vụ môi giới của Real Estate Agent, họ sẽ liên tục cập nhật thông tin Bất động sản và hỗ trợ bạn kịp thời. Đảm bảo mỗi kế hoạch đầu tư, giao dịch Bất động sản của bạn đều phù hợp với quy định luật pháp nước Mỹ.
Đại diện bảo vệ quyền lợi của bạn.
Sở hữu tài sản tại Mỹ sẽ khác rất nhiều so với thị trường Việt Nam. Bạn cần có bộ phận chuyên môn thay bạn giải quyết các vấn đề liên quan đến thỏa thuận điều khoản, phân tích đánh giá hợp đồng. Quan trọng hơn, họ có thể giúp bạn thương lượng với mức giá bạn mong muốn với người bán. Ngay cả khi các thủ tục mua nhà đã hoàn tất, Real Estate Agent tư vấn cho bạn các thủ tục công chứng tài sản. Hoặc trong tương lại bạn có nhu cầu bán nhà, họ cũng sẽ sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm khách hàng cho bạn.
Tiết kiệm thời gian tìm kiếm bất động sản.
Quá trình tìm kiếm và mua bán bất động sản sẽ tốn rất nhiều thời gian. Với người mới định cư và đầu tư thì việc tìm kiếm sẽ còn khó khăn hơn nữa. Thay vì phải tự mình loay hoay giữa đất nước rộng lớn, bạn có thể tin tưởng vào kinh nghiệm chuyên môn của Real Estate Agent. Với mạng lưới kết nối rộng lớn, họ có cộng đồng môi giới, hệ thống khách hàng và đa dạng sản phẩm. Real Estate Agent sẽ nhanh chóng tìm kiếm cho bạn một ngôi nhà hay một bất động sản thực sự an toàn và phù hợp với bạn.
Trên đây là những thông tin về Real Estate Agent và những lợi ích họ mang đến cho Buyer. Hi vọng với những chia sẻ của Custom Invest, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích cho quyết định đầu tư bất động sản tại Mỹ của mình.